12.30PM, 29 tháng 12 năm 2023
1.
Cuối năm, dọn rác.
Hôm qua, vô tình, nó nghe lại những bản recordings trên Voice Memo từ tận năm 2021. God damn it. Nổi da gà vì những thứ dở tệ, có. Ngạc nhiên vì một vài thứ hay ho, sốc.
Nhìn mốc thời gian rời rạc trên Voice Memo khiến nó nhận ra: một lượng lớn thời gian đã trôi qua, còn nó thì đang nhào lộn và tung hứng với những lựa chọn.
Thi quyết định dọn dẹp rác của 3 năm này, để chuẩn bị cho năm 2024 tới. Cụ thể, nó đang cố nhớ lại khoảng thời gian 2021-2023, nó đã làm cái gì, và những thứ học được sau đó.
Hôm qua, trong một cuộc trò chuyện với chị Kelly về những khoản investment có ích, nó nhận ra mình đã tốn gần 80 triệu để học những thứ mà mình hiện tại không dùng.
Nó bỏ cuộc quá nhanh. Nó không thể chịu đựng được suy nghĩ rằng: “lỡ như mọi thứ tôi làm đều trở nên vô nghĩa.”/ “lỡ như tôi đang đi sang hướng”. Nhân số học nói Thi là một đứa thiếu kiên định. Đây chắc chắn là thứ đúng nhất khi nói về nó của những năm trước. Nó lúc nào cũng chạy đầu này đầu kia, cố gắng tìm ra thứ mình thích nhất trong muôn vàn thứ.
Sau một thời gian chẳng làm gì cả, cuối cùng nó cũng vẽ ra được cái ikigai cho mình. Dù hồi xưa luôn cố tìm, nhưng không thể (bởi suy nghĩ ở đoạn trên).
Cuối năm 2023, Thi cũ đã chết, mang theo suy nghĩ kia xuống mộ.
Và Thi mới, với một cái đầu rỗng không, nhưng bù lại là tứ chi đã ngứa ngáy, đang nằm chờ để xông vào năm 2024.
2.
Làm gì đó sai đi.
Có lẽ năm 2023 đã chấm dứt khoảng thời gian chật vật của Thi. Còn khi nào đến khoảng thời gian chật vật tiếp theo, Thi không chắc, nhưng hy vọng là còn lâu.
Thi cũ đã chết. Và điều cuối cùng nó muốn trăn trối là: hãy ra ngoài kia và làm gì đó sai đi. (Tất nhiên không phải là đi phạm pháp hoặc làm gì đó ảnh hưởng tới người khác.)
Thi của những năm trước lúc nào cũng muốn làm mọi thứ đúng ngay từ đầu. Khi nó bắt đầu thấy sai sai, nó vẫn tiếp tục sai vì nó bị sunk cost fallacy.
Đằng nào thì nó cũng không làm đúng ngay từ đầu, vậy thì cứ làm sai đi. Tiếp cận mọi thứ với suy nghĩ: lần thử đầu tiên sẽ là lần sai. Bắt đầu lắng nghe những ý kiến trái ngược mình, những thứ làm mình nhíu mày khi mới nghe, và tăng khả năng chịu đựng của mình lên. Đừng chỉ đi tìm sự ủng hộ, hãy thử đi tìm sự phản bác.
Và cố gắng đừng bỏ chạy.
3.
Vậy làm sai xong rồi sao nữa?
Chắc chắn là không nên lặp lại một lỗi sai trên 2 lần. Mãi đến năm nay Thi mới nhận ra sức mạnh của self-reflection.
Mỗi khi làm sai, hoặc khi có quá nhiều suy nghĩ, nó sẽ viết xuống. Việc viết xuống sẽ làm nó bớt quạu + giúp nó suy nghĩ mạch lạc hơn.
Còn những lúc bình thường không quaụ, thay vì note down mọi thứ một cách vô tri, nó sẽ tường thuật lại dưới dạng câu hỏi dành cho bản thân: còn mình thì sao?
- Nghe một câu chuyện nào đó, thử hỏi : nếu là tôi trong hoàn cảnh đó thì sao?
- Những thứ đọc được từ sách, thử hỏi: cái này áp dụng cho mình như thế nào?
- Một sự kiện nào đó diễn ra: nếu điều này diễn ra lần này, mình sẽ làm khác đi/tốt hơn không?
Có lẽ mỗi năm, Thi sẽ tự giết mình một lần.
Vài chục năm sau, khi tất cả linh hồn tụ họp lại, đứa cuối cùng chết là đứa xứng đáng được sống tới ngần ấy năm.
Cheers 🥂
Leave a Reply