Não đầy, đầy não

Một bộ não đầy là một bộ não trống. Và một bộ não trống là một bộ não đầy.

Nói vậy bạn có hiểu không? Nếu không hiểu thì để mình viết lại:

Một bộ não đầy là một bộ não hết dung lượng. Một bộ não trống là một bộ não đầy dung lượng.

Não phải trống thì mới làm đầy được

Nghĩa là phải dọn sạch không gian cho não, để não có 100% empty space thì ta mới input những thứ mới vào được.

Mình thích dọn trống bàn làm việc, để nhường chỗ cho trí não của mình. Chớ nếu cứ để bàn làm việc bừa bộn, mình chỉ cần sơ hở nhìn lên, thấy bức hình này xinh quá, đồ vật này vui quá, cuốn sách này lâu quá chưa đọc,… thì bảo đảm mình mất luôn vài giờ chỉ để ôn lại kỷ niệm với những thứ đó.

Bộ não con người cũng giống như một chiếc máy tính. Dùng một thời gian thì thế nào cũng đầy. Vì thể, phải dọn rác định kỳ.

Đối với máy tính, chúng ta làm sạch nó bằng cách xoá bớt file hoặc các app không sử dụng thường xuyên.

Đối với bộ não con người, chúng ta làm sạch nó bằng cách tắt những suy nghĩ và bộn bề đang hiện có.

Để tắt được suy nghĩ thì cũng đơn giản thôi. Hãy tìm đến một hoạt động khác mà bạn không cần suy nghĩ nữa. Tiêu biểu: chơi thể thao, ngủ, và thiền.

Trong bài này, mình sẽ nói sâu về thiền.

Thiền

Ngày xưa mình nghĩ thiền là một cái gì đó cao siêu lắm, phải bật nhạc có tần số cao, rồi phải ngồi lên thảm, vào tư thế thiền, ngồi nhắm mắt im lặng trong vòng xx phút. Tất nhiên làm như vậy được thì tốt. Nhưng đối với nhiều người, ngồi yêm nhắm mắt tầm 10 phút thôi là đã khó lắm rồi. Mình cũng vậy.

Khi mình ép bản thân mình ngồi thiền mà tâm mình vẫn chưa buông được những suy nghĩ, mắt mình bắt đầu nhấp nháy và môi mình bắt đầu giật giật. Bạn biết cảm giác mắt giật giật khi hồi nhỏ bị ba ép ngủ trưa không?

Nó đó, chính là cảm giác đó.

Sau này có thể mình sẽ đạt đến cái level nhìn thấy-này-thấy-kia như một số người học thiền chia sẻ. Còn hiện tại mình chưa làm được nên chưa dám gáy sớm.

Hiện tại, thiền đối với mình hiện tại chỉ có 2 bước:

  • Bước 1. Ngưng input.
  • Bước 2. Thả trôi mình vào một việc gì đó dễ dàng.

“Việc gì đó dễ dàng” ở đây là để thay thế cho việc ngồi thiền. Bởi theo trải nghiệm của mình, việc ngồi một chỗ quá lâu thì sẽ sinh chán, muốn bứt đi chỗ khác, đi chơi, đi ăn. Vậy là bể quá bể.

Thiền thật chất là hoạt động dọn rác, để reset từ một bộ não đầy sang một bộ não trống.

Thay vì ngồi một chỗ, mình sẽ làm một việc gì đó đủ dễ để không cần vận dụng đến não. Điển hình như:

  • Dọn dẹp nhà cửa
  • Xếp quần áo
  • Dặm kem nền lên mặt (ai không trang điểm thì bỏ qua)
  • Giặt quần áo
  • Rồi đem phơi
  • Quần áo khô, đem vào ủi hoặc xếp vào tủ.

Bạn thấy điểm chung của những thứ này không?

Đó là việc chúng đều là những điều mà ta phải làm hằng ngày, hoặc hằng tuần.

Tuy nó là việc dễ nhưng chúng ta lại rất hay ngại và thoái thác làm, bởi vì nó chán kinh khủng. Thay vì làm chúng, ta nằm lướt điện thoại sướng hơn, vui hơn.

Nhưng khi lướt điện thoại xong, tới chừng quay lại thì nhà vẫn dọn, đồ đạc chưa sắp xếp, quần áo chưa giặt. Cơ mà ngày mai bạn hết quần xịp để mặc rồi. Vậy thì phải làm sao phải làm sao?

Xem những việc nhàm chán là một cơ hội để thiền

Thay vì nhìn nhận những việc này như một gánh nặng, hãy thử đổi góc nhìn đi một chút: Xem những công việc này là một cơ hội để ta reset lại bộ não sắp tràn dung lượng của mình. Khi làm việc gì, thử toàn tâm toàn ý cho việc đó.

Ví dụ:

  • Mình sẽ dành cả buổi chiều này để dọn dẹp lại căn phòng. Trong lúc dọn, mình sẽ không ngã ngửa ra đọc truyện rồi nằm cười hí hí.
  • Mình sẽ dành 2 tiếng để ủi hết đống quần áo cho tuần tới. Trong lúc ủi quần áo, mình sẽ không check xem ai đã thả tim tấm hình mới nhất trên Facebook của mình.

Việc toàn tâm toàn ý làm một thứ gì đó dễ này là một mũi tên trúng hai con nhạn mập:

  • Thứ nhất, ta vừa hoàn thành một việc ngán ngẩm cần làm.
  • Thứ hai, ta vừa reset xong bộ não của mình. Đó chính là thiền, theo định nghĩa của mình.

Hai thứ này có tác dụng bổ trợ qua lại cho nhau: Bạn càng làm được, bạn càng thích làm. Bạn càng thích làm, bạn càng làm được.

Khi bạn làm gì đó với cả sự chú tâm, bạn sẽ làm điều đó tốt hơn. Và khi bạn làm tốt việc gì đó, bạn có đà để chú tâm hơn vào việc làm nó.

Hy vọng đọc xong bài này bạn không còn ghét việc dọn dẹp và giặt quần áo nữa. Còn bây giờ, mình đi giặt thau đồ của mình đây.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

error: Content is protected !!