thilosophy

Năm 2023 nhìn lại

2023 là năm mình vô cùng biết ơn. Mặc dù đây là một năm, mà theo mình nói, là “năm 2023-không-try-hard”, nó lại mang đến cho mình nhiều bài học hơn hẳn những năm khác.

Có thể bạn vẫn chưa hoặc không tin bộ môn Nhân số học, nhưng bằng một cách nào đó, mình thấy cuộc đời mình đang vận hành theo những gì được Nhân số học mô tả, theo từng tháng và từng năm. Mình sẽ chia sẻ về điều này ở một bài viết khác.

Còn sau đây là 4 bài học lớn mà mình có được trong năm 2023 không-try-hard.

Bài học 1: Self-reflection là vô cùng quan trọng

Self-reflection, tiếng Việt là phản tư, hoặc nôm na hơn là soi chiếu bản thân. Mình hiểu về self-reflection theo cả hai nghĩa: nghĩa bóng và nghĩa đen. 

Self-reflection theo nghĩa đen: 

Đúng theo kiểu nhìn vào gương để thấy được bản thân. 

Ngày xưa, mình thích học vẽ. Mỗi lần mình vẽ xong một bức tranh, mình có thói quen nhìn vào gương để xem nó đẹp hay xấu. Mình cho rằng, nhìn bằng mắt thường thì rất dễ thấy bức tranh đó đẹp. Nhưng chỉ cần soi chiếu nó vào gương, lập tức mình sẽ thấy lỗi sai ở đâu đó, để còn sửa chữa kịp thời. Đó là một thói quen theo mình suốt những năm còn cầm bút chì. 

Ngày đó, mình cũng bị căn bệnh tự ti về ngoại hình. Mình biết mình không xinh đẹp bằng bạn bè đồng trang lứa. Càng nhìn vào gương, mình càng tự ti về bản thân. Vậy là mình luôn tránh né việc nhìn vào gương. 

Mình đặc biệt sợ nhìn vào gương. Bởi mình sợ nhìn vào những khuyết điểm trên gương mặt mình, cơ thể mình. Khi đủ lớn, mình biết, cách để phát triển bản thân không gì khác ngoài việc liên tục nhìn về mình, cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Những thứ cần phải thay đổi, nhất định phải được thay đổi. 

Một thời gian dài, mình cảm thấy ổn với bản thân chỉ vì chẳng bao giờ nhìn vào bản thân. Tuy nhiên, mãi sau này mình mới biết mối quan hệ giữa mình và bản thân là một mối quan hệ độc hại. Mình chẳng biết bản thân mình là ai. Bởi có bao giờ nhìn về nó đâu. Thì ra, bấy lâu nay, mình đã chối bỏ và chạy trốn khỏi mình, chớ mình đã bao giờ chấp nhận bản thân mình đâu. 

Mình dần nhìn vào gương nhiều hơn. Và cũng bắt đầu học cách đối diện với những điểm xấu xí trên cơ thể. Mình thay đổi. 

Và khi mình thay đổi, và mình biết có sự thay đổi trong mình, mình không còn sợ nhìn vào gương nữa. 

Self-reflection theo nghĩa bóng:

Kinh nghiệm

Thay vì cứ lặp đi lặp lại một công việc nào đó một cách vô tri, ta nên kết hợp với việc self-reflection theo định kỳ. Có thể theo tuần, tháng, hoặc năm. 

Cách mình thực hành self-reflection

Phần này mình viết thêm nhờ vào góp ý của bạn @hungcq bên dưới comment.

Để thực hành self-reflection, nên thực hành journaling trước. Thành thực mà nói, mình không phải là fan của việc journaling theo kiểu cắt dán, typography, tô màu,… vì nó tốn thời gian.

Journaling với mình chỉ là viết recap một vài dòng về một ngày của mình, có thể tham khảo một số câu hỏi sau:

  • Đã đi đâu, làm gì, gặp những ai?
  • Những thứ học được hôm nay?
  • Ý tưởng gì mới cho ngày mai?

Ngày cuối cùng của tháng, mình sẽ nhìn lại những đã diễn ra. Lúc này, mình sẽ biết được phần lớn năng lượng của mình dùng trong việc gì, và với những ai. Và liệu làm những việc đó/ gặp những người đó có đáng thời gian hay không? Từ đó có những hướng điều chỉnh cho tháng tiếp theo.

Ví dụ như tháng 11 vừa rồi, khi nhìn lại mình thấy mình ra ngoài hơi nhiều, có phần chểnh mảng những việc cần làm. Vì vậy, tháng 12 mình sẽ cố gắng cân bằng lại (vẫn đi chơi nhưng ít hơn, làm việc có kế hoạch hơn).

Việc soi chiếu bản thân định kỳ như vậy rất có lợi, bởi:

  • Ta có cơ hội để nhìn lại những lỗi lầm đã mắc phải (nếu có), những bài học đã rút ra được, hoặc những cảm giác biết ơn đã gom góp được trong suốt tuần qua/tháng qua/năm qua. 
  • Từ những bài học đó, ta tránh lặp lại những sai lầm cũ, và tạo đà cho khoảng thời gian tiếp theo. 
  • Ta sẽ tiết kiệm được kha khá thời gian cho những thử thách tương tự có khả năng xảy ra trong đời sống. Một lần phản tư là một lần ta ôn lại bài học, và khi ta gặp lại bài toán tương tự, ta sẽ biết cách giải nhanh hơn. 

Bài học 2: Cho bản thân một khoảng nghỉ, và not giving a f*ck about anything

Hơn nửa đầu năm 2023 vừa rồi là một khoảng thời gian mình đứng im. Mình chẳng muốn làm gì cả. Không học thêm gì. Không làm podcast. Không viết gì nhiều. Không đọc gì nhiều. Không bắt chuyện với ai nhiều. Không cố gắng xây dựng một điều gì, từ công việc, sở thích, đến các mối quan hệ, blah blah. 

Mình bật mode “not giving a f*ck” suốt nửa năm 2023.

Cuối tuần, mình lại xách balo lên núi. Đi riết, da mình thì đen thui, còn chân mình thì đầy ghẻ (do nước mưa, hoặc côn trùng, hoặc muỗi). Bạn mình nói, “nhìn mày rất mọi”. Trái ngược với ngày xưa, lúc nào mình cũng muốn thật là “productive”, lúc nào cũng tranh thủ đọc gì đó, nghe gì đó có ích. “Không làm gì” nghĩa là “không productive”. Vậy mà nửa năm nay, mình dành phần lớn thời gian để “không làm gì”. 

Mình không ngờ khoảng thời gian “không làm gì” của nửa năm 2023 đã refresh lại con người mình hoàn toàn. Mình thấy mình khác. Rất khác. Mình nhìn thấy nhiều thứ mà trước đó mình không hề nhìn thấy. Mình bắt đầu có những hướng tiếp cận mới. Mình thấy nhiều việc thừa thãi không cần làm nữa. Và những việc cần phải làm mà hồi nào giờ chưa làm, hoặc chưa biết cần phải làm. Khi ở trong guồng, mình cứ làm mải miết mà không hề thắc mắc cho việc mình làm. Khi đã “nhúng mình” một thời gian vào trạng thái nghỉ ngơi, cho phép bản thân lười biếng, tới chừng quay trở lại guồng, mình nhìn thấy rõ việc nào nên dừng lại, nên duy trì, hoặc nên cải thiện. Chắc chắn, nếu không có khoảng thời gian nghỉ ngơi kia, mình sẽ không thể nào thay đổi góc nhìn khác đi như vậy được. 

Những tháng cuối năm 2023, mình rục rịch trở lại với A Cup of Thi podcast, và hứa hẹn thêm nhiều thứ khác nữa (sẽ bật mí từ từ). Mình thấy phấn khởi, đồng thời biết ơn nửa năm 2023 leo trèo và bay nhảy đã cho mình một góc nhìn khác về những việc đang làm, về bản thân, và về cuộc đời.

Mình tự nhủ, mình sẽ luôn cần những khoảng nghỉ như vậy, đều đặn, dàn trải suốt đời sống, để mỗi lần quay trở lại guồng, mình lại là một “mình” mới. 

Bài học 3: We deserve what we are, not what we want. 

Well, đây là bài học hệ quả của bài học số 2. 

Nếu như nửa năm đầu của 2023 là thời gian cho khoảng nghỉ và keme sự đời, thì đây là bài học của cuối năm 2023. 

Khi mình ngừng quan tâm tới mọi thứ, tự nhiên mọi thứ lại đến. 

Thật ra, đây chẳng phải là một điều gì đó kì bí siêu cấp vũ trụ gì đâu. 

Chỉ là quãng thời gian qua, mình đã vô tình lặp đi lặp lại một vài thứ sau:

  • Phản tư, tức self-reflection, định kỳ hằng tháng, mình hay ghi lại những bài học vào một quyển sổ. 
  • Execute, execute, execute. Thực thi, thực thi, thực thi. Mình không còn start with why nữa, bởi mình đã có cái why đủ lớn để bắt đầu. Mình chuyển sang “Start with how”. Có 2 thứ mình học được trong hành trình này.
    • Thứ nhất, trong quá trình đến được mục tiêu A, sẽ có rất nhiều trở ngại a1, a2, a3,… xung quanh. Vấn đề của mình là giải quyết các trở ngại a1, a2, a3,.. kia trước. Khi không còn trở ngại, ta không còn lý do gì để  không làm A nữa. 
    • Thứ hai, nhẫn nại một chút khi mới bắt đầu thứ gì đó. Mình luôn dành quá ít thời gian dự kiến cho một việc, cuối cùng, mình luôn cần nhiều thời gian hơn. Vì thế, việc keep track lại là rất quan trọng. Vừa để chúng ta không bị “ngủ quên” khi làm việc gì đó vì có quá dư dả thời gian, vừa để chúng ta không bị bấn loạn vì deadline quá sát đít. 
  • Vậy là nguyên năm 2023, mình chỉ lặp đi lặp lại các việc:

Giải quyết các vấn đề a1, a2… (ví dụ trong 1 tháng)  → Self-reflection → Giải quyết các vấn đề b1, b2,… (ví dụ trong 1 tháng tiếp theo) → Self-reflection tiếp → lặp lại lặp lại. 

  • Trong quá trình đó, có hai việc diễn ra:
    • Mình chỉ đơn thuần thực thi và giải quyết các vấn đề.  
    • Mình không mong cầu một kết quả tốt đẹp sẽ đến nhanh chóng, cũng như không quan tâm đến bất cứ thứ gì xung quanh mình (đúng kiểu keme mọi thứ).

Cuối năm 2023, mình hiểu được:

Chúng ta không có được thứ mình muốn. Chúng ta chỉ có được thứ mình xứng đáng. You attract what you are, not what you want. 

Vậy nên, mình sẽ không bao giờ nói mình “muốn” cái gì hết. Mình sẽ chỉ trở nên xứng đáng với thứ đó mà thôi. 

Cuối cùng: Những gì diễn ra bên trong mới thực sự quan trọng

What we feel inside is what matters.

Vừa rồi, trong chuyến đi leo núi, mình gặp một chị có một năng lượng vô cùng tươi sáng. Chị rất xinh, hay cười, lại vui tính và có duyên. Nếu nói kiểu trendy dân mạng thời nay thì “chị 10 điểm không có nhưng”.

Trong hành trình hai ngày đi cùng nhau, mình thấy được sự dễ chịu khi ở bên cạnh chị, dù chỉ mới biết nhau.

Vài hôm sau chuyến leo núi, mình tình cờ nghe được một podcast, trong đó có một ý như thế này:

“When someone makes you feel good about yourself, that means they feel good about themselves.”

“Khi ai đó khiến ta cảm thấy tốt đẹp về bản thân mình, điều đó có nghĩa là tự thân người đó đã thấy hạnh phúc bên trong họ.”

Nếu như mình nghe câu nói này trước khi gặp chị, có lẽ mình đã chẳng ấn tượng về câu nói ấy đến vậy. Và khi ngẫm lại về người chị này, mình thấy rõ ràng chị là cô gái có giá trị, có đủ lý do để tự tin về bản thân, và có thừa tình yêu dành cho chính mình. Và bởi thế, chị mới đủ sức để lan toả nó ra cho những người xung quanh.

Và câu nói trên cũng có thể hiểu theo chiều ngược lại:

Những người luôn khó chịu với người khác, chắc hẳn là đang rất khó chịu với bản thân mình.

Cũng như mình thấy được rằng:

Khi ta thấy khó chịu vì một điều gì đó ở người khác, là bởi ta đang thấy khó chịu về điều đó ở chính bản thân mình.

Tất cả đều quy về chính mình, và bên trong mình.

Hiểu được điều đó, mình cũng bắt đầu chú ý đến những diễn biến bên trong hơn là những gì cố gắng thể hiện bằng điệu bộ bên ngoài.

Không cần phải hét to lên cho cả thế giới rằng tôi xứng đáng với thứ XYZ nào đấy, chỉ cần bên trong ta có đủ lý do để tin rằng mình xứng đáng, thì mình xứng đáng.

Mọi thứ diễn ra bên trong mình mới thật sự là những gì quan trọng.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

error: Content is protected !!